"Hồn" trong những bức tranh thêu
Bàn tay ông Sự không có cái hoa tay nào, nhưng ông bảo cho dù tay có thế nào thì sự khổ luyện vẫn là quan trọng nhất. Một người bình thường học thêu từ 3 đến 6 tháng mới gọi là biết cầm kim, từ 6 tháng đến 1 năm là biết thêu cơ bản. Còn thêu tranh tùy năng khiếu mà thời gian từ một đến vài năm mới có thể thành thạo.
Nổi tiếng bởi những bức tranh thêu chân dung có “hồn” thì không biết chính xác thời gian là bao nhiêu lâu mới có thể thành thạo, chỉ biết rằng sau hàng chục năm cần mẫn bên khung thêu với hơn 10 tiếng cầm kim một ngày, giờ đây, ông Sự đã điêu luyện trong từng đường kim mũi chỉ.
Sinh ra trong một gia đình làm nghề thêu ren ở xã Thắng Lợi, Thường Tín, Hà Nội. Nghệ nhân Nguyễn Quốc Sự cũng như bao cậu bé khác học nghề thêu từ lúc 10- 12 tuổi để phục giúp gia đình. Năm 16 tuổi ông đã trở thành cán bộ kĩ thuật trẻ nhất của xã Thắng Lợi.
Chuyến thăm của cố Tổng bí thư Lê Duẩn vào năm 1973 đã tạo một bước ngoặt trong cuộc đời ông khi Tổng bí thư gợi ý xã Thắng Lợi thêu chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khi đó, ông Sự được cử đi học một lớp hội họa đào tạo riêng cho ngành nghề thủ công trong 3 năm.
Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh là tác phẩm đầu tay của ông sau khi tốt nghiệp và không ngờ rằng đó lại chính là bức tranh thêu “để đời” của ông. Từ khóe mắt, đến nụ cười hay chòm râu của Bác Hồ đều rất sống động khiến cho người ta tưởng đó là một bức ảnh chụp chân dung.
“Để thêu được bức chân dung này, tôi đã mất gần một năm trời ròng rã, đêm nằm ngủ cũng bị ám ảnh về từng nét trên khuôn mặt Bác. Có lúc thêu rồi lại tháo ra, mà thêu đã khó khi gỡ lại càng khó hơn, bởi gỡ từng sợi chỉ là điều cực kì phức tạp”, ông Sự kể.
Bức chân dung Chủ tịch HCM là tác phẩm "đầu tay" mà ông tâm đắc nhất
Sau này, khi đã có kinh nghiệm thành thạo với thể loại chân dung rồi, chỉ cần thêu vài mũi mà thấy không hợp màu sắc là ông gỡ ra luôn, nên đỡ công sức hơn rất nhiều lần. “Tôi khác với các thợ thêu khác bởi đã được học căn bản về hội họa. Phải hiểu rõ cơ mặt biểu hiện trên khuôn mặt như thế nào, chẳng hạn tìm được đúng điểm cơ rung trên mặt một người đang cười để thêu cho đúng thì mới thể hiện được nụ cười của người ta”. Ông Sự nói thêm.
Nhưng điều khiến cho mọi người khi đến nhà ông ngạc nhiên bởi bức thêu “Nàng Mona Lisa” của Leonardo da Vinci bởi sự tinh tế đến mức kỳ diệu. Chị Yasuka, giảng viên khoa tiếng Nhật trường Đại học Ngoại Ngữ Hà Nội cho biết: “Tôi đã đi nhiều nơi, nhìn nhiều bức tranh chép về người đàn bà quý tộc này nhưng chưa thấy ai thể hiện được cái hồn gần với tranh nguyên bản như ông Sự”.
Để thêu được bức này, ông Sự đã phải mất khoảng 2 năm liên tục, thậm chí, đêm ngủ cũng thao thức, mường tượng ra ánh mắt, nụ cười bí ẩn của Mona Lisa. Khó nhất là thể hiện được ánh sáng của bức tranh, vì danh họa Da Vinci vẽ ở ánh sáng ngoài trời.
Ông Sự đã phải tự mày mò nhuộm chỉ và dùng tới hàng trăm màu chỉ khác nhau mới thể hiện được đúng màu sắc của bức tranh. Khó nữa là thể hiện đôi mắt ánh lên nét cười, nhìn bức tranh ở góc nào cũng phải thấy đôi mắt ấy đang nhìn mình. Đặc biệt, Mona Lisa không có lông mày rõ ràng nên phải thêu như thế nào để trông xa vẫn cảm thấy như có lông mày mà đến gần nhìn thì như không có.
Ông Sự bên tác phẩm tranh thêu nàng Mona Lisa
Việc lựa màu để thêu được đúng màu da, hay các ngón tay của người đàn bà quý tộc cũng không hề dễ dàng. Nó khác hoàn toàn so với tay của một phụ nữ ở nông thôn, tuy vậy, sự cảm nhận về màu sắc của ông Sự lúc này đã đạt đến độ tinh tế và cũng có ít nhiều kinh nghiệm nên chỉ cần thêu hỏng vài mũi là ông nhận ra ngay.
Những năm tháng ròng rã tạo ra một tác phẩm để đời đã khiến cho ông không muốn bán bức tranh này, dù cho có nhiều du khách nước ngoài trả giá cao đến đâu. Ông bảo, có thể đến một lúc nào đó nếu gặp được người thực sự đồng cảm với mình, ông sẽ vui vẻ bán đi.
Nối liền những đam mê.
Những bức tranh ông Sự tâm đắc bao giờ cũng có ký tên “Sự” màu đỏ ngay dưới góc bên trái bức tranh. Tranh của ông đã đạt được nhiều giải thưởng và được biết đến khắp trong và ngoài nước. Thị trường mua tranh của ông chủ yếu ở Nhật Bản, thậm chí đài Truyền hình Nhật Bản cũng từng làm một chương trình về ông.
Tác phẩm tranh thêu mà ông Sự tâm đắc
“Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trong chuyến thăm Nhật Bản cũng đã mua hơn 70 bức tranh thêu của tôi để tặng Hoàng gia Nhật Bản”, ông Sự tự hào kể.
Có nhiều du khách sẵn sàng bỏ tới 2.000 USD để được thêu chân dung của mình dù bức tranh chỉ bé bằng bàn tay. Nhiều người hay hỏi giá bức tranh trước khi thêu, nhưng ông Sự không thể nói giá ngay, mà phải thêu xong mới biết. Ông bảo: “Khách hàng đâu biết rằng chân dung người thì dễ, người thì khó và lúc thêu mới thấy hết được cái khó. Chẳng hạn, thêu người có nếp nhăn, nguời có ria con kiến đã dày công, người cười hở răng còn khó hơn.”
“Có lần tôi còn thêu một khuôn mặt người chỉ bé bằng ngón chân cái, thêu bằng cái kim nhỏ nhất mà chỉ dày quá, không thể đâm tiếp mũi kim để hoàn chỉnh. Lúc đó, tôi đã định bỏ cuộc nhưng cuối cùng tôi vẫn làm được”.
Thợ thêu ở nhà ông Sự
Nhiều khách hàng rất thích những bức tranh thêu chép các bức họa nổi tiếng thế giới như các tác phẩm của Van Gogh, Claude Monet, Leonardo da Vinci…Sự tinh tế về cách pha màu đã khiến tranh của ông Sự đạt tới một đẳng cấp mà những người thợ thêu bình thường khó có thể vượt qua.
Theo nghiệp bố, giờ đây các con dâu, rể của ông Sự đều có cuộc sống khá giả và có thể tự hào về nghề của quê hương. Ông tâm sự: “Tôi cũng thấy mãn nguyện vì xuất phát điểm của mình không cao, cũng chỉ là anh thợ thêu làng thôi nhưng ít nhất tiếng tăm về làng thêu quê tôi cũng được khắp nơi biết đến”.